Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản cho biết số lao động Việt Nam sinh sống ở Nhật Bản là khoảng 520.000 người, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua.
Ông Ishii Chikahisa – bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản – cho biết như vậy tại Hội thảo tiên phong trong nỗ lực dịch chuyển lao động quốc tế giữa Nhật Bản và Việt Nam, ngày 19-3.
Nhật Bản “khát” nhân lực ngành gì?
Theo ông Ishii Chikahishi, nhân lực Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Nhật Bản, hiện khoảng 520.000 người, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Trong đó, số thực tập sinh chiếm tới 40%.
Hết năm 2023, tổng lao động theo chương trình kỹ năng đặc định hơn 110.000 người, chiếm trên 53% tổng số lao động nước ngoài.
Tháng 3-2024, đã có hơn 300 thí sinh tham gia kỳ thi kỹ năng đặc định ở Hà Nội.
“Thời gian tới, chúng tôi có thể mở rộng thêm các địa phương khác. Bên cạnh nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe, chúng tôi có thể bổ sung các lĩnh vực như bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú và tiếng Nhật”, bí thư Ishii Chikahisa nói.
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản cho hay nước này đang có nhu cầu nhân lực rất lớn ở 12 ngành. Đó là sản xuất thực phẩm – đồ uống, xây dựng, chế tạo máy – vật liệu – điện hoặc thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu – thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp, chăm sóc – điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, hàng không, dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống.
Đánh giá lao động Việt chăm chỉ, chịu khó, ông vẫn khuyên lao động muốn tham gia chương trình kỹ năng đặc định cần trau dồi năng lực tiếng Nhật, kiến thức kỹ năng nghề.
Về việc lao động Việt Nam khó tìm việc khi về nước hoặc khó phát huy năng lực, vị này cho rằng đây cũng là vấn đề mà Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm. Hai bên sẽ hợp tác, giải quyết vấn đề này.
Nhật Bản sẽ thay đổi chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam
Ông Nagata Yuki – trưởng phòng điều phối chính sách, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản – cho biết đầu năm 2024, Chính phủ Nhật Bản đã họp, xem xét, trình Quốc hội nước này về chế độ tiếp nhận lao động mới. Việc hoàn thiện, đưa vào thực tiễn mất thêm một thời gian nữa.
Chế độ tập trung vào ba trụ cột chính, gồm ưu tiên bảo vệ quyền lợi của lao động nước ngoài ở Nhật, tạo cơ hội thăng tiến cho người nước ngoài và bảo đảm người nước ngoài an tâm chung sống ở nước này.
Nhiều ý kiến góp ý cũng được xem xét, bổ sung như người lao động có thể chuyển chỗ làm, nâng cao năng lực tiếng Nhật cho ứng viên, tăng chỉ tiêu tiếp nhận…
Bế mạc hội thảo, ông Kubo Yoshitomo – phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam – nhấn mạnh xã hội Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng, thiếu lao động nghiêm trọng.
Việc đổi mới chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam rất quan trọng, nhất là khi nhiều vấn đề còn tồn tại như chi phí đi Nhật quá cao, đối xử chưa công bằng, hạn chế chuyển việc.
“Nhật Bản luôn muốn xây dựng môi trường tiếp nhận lao động nước ngoài phù hợp, trong đó có Việt Nam”, ông nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ